Đôi tay “tiếp lửa” nghề gốm truyền thống Bát Tràng.
Theo Báo Tuổi trẻ Thủ đô - Link: https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-doi-tay-tiep-lua-nghe-gom-bat-trang-182970.html
Làng gốm Bát Tràng hội tụ nhiều nghệ nhân ở mọi độ tuổi khác nhau, mỗi người lại có cảm nhận khác biệt về chuyện nghề. Nghệ nhân Tú Trần lại đại diện cho lớp nghệ nhân trẻ, có góc nhìn nhận và nghiên cứu về gốm thiên hướng “trẻ hóa” truyền thống, kết hợp học tập tài liệu quốc tế, trau dồi bản thân với truyền thông đa phương tiện.
Nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú (Tú Trần, 26 tuổi) lại từng có thời điểm theo học ngành khác rồi mới trở về làng. Từng nghĩ rằng làm gốm là một nghề rất vất vả, tiếp xúc với bùn đất là điều rất nặng nề, đó là lý do mà Trần Anh Tú theo học đại học ngành kinh tế. Tuy nhiên, khi có những trải nghiệm sâu hơn về nhiều lĩnh vực, Tú tự cảm nhận được rằng: “Cái tình yêu nghề gốm của mình mãnh liệt lắm, nó “ngấm” trong máu mình lúc nào không hay”.
Cuối cùng, Tú Trần quyết định thôi học để thi lại vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành gốm. Là nghệ nhân trẻ, Tú Trần có cách học tập và nhìn nhận khác biệt so với thế hệ đi trước. Trong quá trình rèn dũa tay nghề, rào cản lớn nhất đối với anh là tại Việt Nam không có tài liệu chuyên sâu, công khai để nói về chuyên ngành gốm. Bởi lẽ đó mà nghề truyền thống Việt Nam trở nên đặc biệt, vì mỗi một người sẽ có một cách làm riêng, gọi là “bí quyết”.
“Nếu thực sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do". Tú Trần thuộc vào “vế một”, anh chàng đã sử dụng vốn tiếng Anh “kha khá” của mình, bắt tay vào tìm kiếm những tài liệu về gốm sứ trên mạng. Tú Trần cảm thấy rất may mắn vì hiện nay mạng xã hội phát triển, anh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ kinh nghiệm thực tế gia đình truyền lại mà còn được nghiên cứu bài học về chuyên ngành, chuyên sâu từ nghệ nhân quốc tế. Khi bộc bạch về gốm sứ, ánh mắt của nghệ nhân trẻ ánh lên sự tự hào và niềm đam mê cháy bỏng. Anh chia sẻ dù đã làm hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nhưng cứ mỗi lần mở cánh cửa lò nung là một lần hồi hộp, nóng lòng. Đó là cảm xúc độc nhất, chỉ có thể kiếm tìm khi làm gốm.
Các sản phẩm của Tú Trần tại Trung tâm Tinh hoa Làng Nghề Việt.
Bên cạnh đó, về đối tượng khách hàng, Tú Trần đại diện cho lớp nghệ nhân với những khát vọng đưa giá trị làng nghề truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Anh bộc bạch: “Gốm trong tiềm thức mọi người là một cái gì đấy thiên về truyền thống, mà truyền thống để giới trẻ tiếp cận được là một điều rất “trăn trở”.
Đối với giới trẻ nói chung, Tú Trần nghĩ cái thiếu chính là những trải nghiệm về gốm, mang tính chuyên nghiệp. Anh nói thêm: “Bây giờ khách du lịch đến làm gốm nhưng thực chất chỉ là nghịch một cục đất xong trả tiền. Tôi nghĩ Bát Tràng nói riêng và các làng nghề gốm nói chung đang thiếu một phương thức thúc đẩy du lịch bài bản, để mọi người hiểu thật sâu về ngành gốm”.
Hiện nay, Tú không chỉ tích cực sáng tạo sản phẩm gốm hiện đại với những nét nghệ thuật chấm phá mới lạ mà còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nói về dự định tương lai, nghệ nhân trẻ cho biết: “Chắc chắn tôi sẽ đầu tư vào thương mại điện tử để có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. Đồng thời, giới thiệu đến khán giả về tinh hoa nghệ thuật gốm truyền thống, kết hợp với nghệ thuật gốm sáng tạo mang hơi thở thời đại”.
Sau gần một thập kỷ gắn bó với nghề, Tú Trần ngày càng được biết đến nhiều. Không phải với danh nghĩa là con trai Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân mà chính bằng năng lực của mình.
Tác phẩm “Uyên ương” của anh được hội đồng nghệ thuật thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá cao và được trưng bày trong triển lãm Gốm nghệ thuật 2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vinh dự đứng cạnh các tác phẩm của những tên tuổi lớn như nghệ nhân - họa sĩ Phan Thanh Sơn, Nguyễn Bảo Toàn và chính bố của anh - Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân.